Trong bài trước chúng ta đã bàn về Ma Quỉ và Tội Lỗi, hôm nay xin được nói về sự chết và sự sống. Ma quỉ và Tội lỗi đã làm cho chúng ta chết. Nhưng Chúa đã cứu chúng ta khỏi sự chết nếu chúng ta tin vào Người (Gioan 11: 25-26).
CHẾT RỒI MÀ SỐNG LẠI QUẢ TRÍ KHÔN CON NGƯỜI KHÔNG THỂ HIỂU NỔI
Ông Lazaro đã chết và được mai táng trong mồ đã bốn ngày rồi mà vẫn sống lại được (Gioan11: 17-45) thì đúng là một phép lạ, ngoài sức tưởng tượng và lý trí của con người. Câu chuyện về sự chết mà Chúa Giêsu đã nói với các thánh tông đồ đã đưọc Thánh Gioan kể lại mà chúng ta thấy trong bài Phúc Âm Chúa Nhật thứ 5 mùa Chay Thánh đã cho chúng ta một quan niệm khác thường về sự chết: Chết tức là Sống. Tại sao vậy?
Còn hai tuần nữa thì là Lễ Phục Sinh kỷ niệm ngày Chúa Giêsu vinh hiển sống lại. Các bài đọc và Phúc Âm Chúa Nhật này đều nói về sự chết và sống lại. Đây không phải là nói về sự sống lại của Chúa Giêsu -một sự kiện hoàn toàn mới lạ đối với loài người- nhưng là nói về sự sống lại của chúng ta, một điều mà người công giáo ai cũng ước ao và chính Chúa Giêsu Kitô cũng đã ban cho chúng ta được sống lại từ sự chết. Thực vậy, sự chết đối với chúng ta nó giống như một bức tường ngăn cách chúng ta không thể nhìn thấy những gì ở phía bên kia. Tuy nhiên chúng ta ước ao mong đi qua được phía bên kia bức tường cho dù chúng ta bất lực không đủ khả năng để biết được những gì đang ẩn khuất ở đó, nhưng chúng ta vẫn cứ suy nghĩ, tưởng tượng về nơi đó và rồi khao khát về một cái gì vĩnh cửu qua một biểu tượng nào đó.
Đối với người Do Thái đang bị lưu đầy ra khỏi Israel thì tiên tri Ezekiel loan báo rằng Thiên Chúa sẽ mở mồ những người bị xua đuổi đi xa và mang họ về đất quê hương của họ cho họ được an nghỉ ngàn thu (Ezekiel 37:12-14). Được yên nghỉ cùng ông bà cha mẹ tổ tiên vào ngày sau cùng nơi quê cha đất tổ quả là một khao khát khôn nguôi của mọi người. Quan niệm này cho đến lúc đó vẫn chưa có trong ý nghĩ của con người về sự sống lại từ cõi chết. Nó chỉ xuất hiện vào giai đoạn cuối cùng của Cựu Ước và ngay cả thời Chúa Giêsu nó cũng chưa được tất cả những người Do Thái chấp nhận. Sau cùng, ngay cả những người Kitô hữu, họ cũng vẫn còn băn khoăn nghi ngờ không biết có sự sống lại và đời sống vĩnh cửu hay không, bởi vì đó là một thực tế, như đã nói, nó vượt khỏi lý trí, con người không hiểu nổi, đòi hỏi phải có Niềm Tin.
AI TIN THÌ SẼ ĐƯỢC SỐNG
Trong bài Phúc Âm hôm nay nói về ông Lazaro sống lại, chúng ta thấy rõ ràng tiếng nói của Niềm Tin đã được xuất phát từ cửa miệng bà Martha, chị ông Lazaro, khi Chúa Giêsu nói với chị: “Em chị sẽ sống lại” thì chị trả lời Chúa: “Con biết, em con sẽ sống lại vào ngày sau cùng” (Gioan 11: 23-24). Nhưng Chúa Giêsu đã trả lời cho chị biết: “Ta làsự Sống Lại và là Sự Sống; ai tin vào Ta thì dù người đó chết, cũng sẽ được sống” (Gioan 11:25-26). Đây quả là một điều hết sức mới lạ đã phá tan mọi trở ngại để vượt qua bức tường ngăn cách đi thẳng về phía bên kia… Chúa Kitô đã phá vỡ bức tường tử thần, sự chết bởi vì trong Chúa có hoàn toàn đầy đủ Thiên Chúa là Sự Sống và Sự Sống Vĩnh Cửu. Vì lý do đó, tử thần không có một tý quyền năng nào đối với Người, và việc ông Nazaro sống lại là một dấu chỉ của sự toàn thắng và thống trị hoàn toàn của Chúa về cái chết thể xác mà trước khi Chúa đến nó chỉ là một giấc mơ mà thôi (Gioan 11:11).
TỘI LỖI CHÍNH LÀ TỬ THẦN, LÀ THẬP GIÁ CHÚA KITO PHẢI TRẢ
Nhưng còn một loại tử thần khác mà chính Chúa Kitô cũng phải chiến đấu một cách dũng mãnh, vô cùng khó khăn và gian khổ đó là tội lỗi, cái giá của Thập Tự mà Chúa Kitô phải trả cho chúng ta. Đây là cái chết tinh thần, cái chết của tội lỗi đã đe dọa huỷ giệt sự hiện hữu của loài ngưòi. Chính nhờ Chúa Kitô chịu chết để chiến thắng cái chết của tội lỗi này, và sự sống lại của Chúa không phải là để trở lại cuộc sống lúc trước, nhưng là khai mở đi vào một thực tế mới, “một địa danh mới” để rồi sau cùng được nối kết với Thiên Đàng của Chúa. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolo đã viết trong thư gửi cho cộng đoàn Roma: “Nếu Thần Linh Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết cũng ngự trị trong anh em, thì Đấng làm cho Chúa Kitô sống lại cũng dùng Thấn Linh Chúa trong anh em mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới” (Romans 8:11).
ĐÔI LỜI KẾT
Ma quỉ và tội lỗi chính là hình bóng của tử thần, của sự chết. Trong Cựu Ước, tiên tri Ezekiel báo tin cho những người Do Thái bị lưu đầy là Thiên húa sẽ mở mồ những người chết và mang họ vể nơi quê cha đất tổ để họ được an nghỉ ngàn thu cùng ông bà tổ tiên họ. Trong Tân Ước Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết trên thập gíá vì tội lỗi của chúng ta để chúng ta được sống, dù chúng ta chết nếu chúng ta có niềm tin. Đời Sống vĩnh cửu.
Chúa Giêsu làm cho ông Lazaro sống lại là dấu chỉ chính Người là sự Sống Lại và là Sự Sống. Chúng ta hãy tân trang, làm sống lại Đức Tin của chúng ta khi chịu phép Thánh Tẩy để được sống lại và sự sống vĩnh cửu.
Nói về sự chết, sự sống lại của Chúa Giêsu và đời sống vĩnh cửu mà không nghĩ đến Đức Maria Đồng Trinh thì là một thiếu sót lớn. Đức Mẹ cũng đã thông phần cúu chuộc nhân loại, dự phần vào việc Chúa sống lại, chắc chắn Mẹ có thể giúp chúng ta tuyên xưng Đức Tin của chúng ta: “Vâng, lạy Chúa, Con tin rằng Chúa là Chúa Kitô, con Thiên Chúa hằng sống” (Gioan 11:27) để nhận biết rằng Chúa thực sự là đấng cứu chuộc nhân loại và chúng con.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét