Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu (1756 – 1798)

Emmanuel Nguyễn Văn Triệu (1756 – 1798)

Emmanuel Nguyễn Văn Triệu, Sinh năm 1756 tại Thợ Ðức, Phú Xuân, Huế, Linh mục, bị xử trảm ngày 17/09/1798 tại Bãi Dâu dưới đời vua Cảnh Thịnh, Đức Lêo XIII suy tôn Chân Phước cho cha Emmanuel Nguyễn Văn Triệu ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. lễ kính vào ngày 17/09.
Là một linh mục giáo phận Đông Đàng Ngoài, vốn biết bao bận rộn vì công tác mục vụ, nhưng cha Emmanuel Nguyễn Văn Triệu vẫn không quên người mẹ già ở quê nhà. Năm 1798 giữa cơn bách hại gay gắt của vua Cảnh Thịnh, nhất là tại kinh đô, cha đã xin phép Bề trên về Phú Xuân thăm mẹ, và ở lại gần ba tháng để gầy dựng cho bà một mái nhà nhỏ xinh. Chính vì muốn trọn đạo hiếu với mẫu thân mà linh mục đã bị bắt.
Emmanuel Nguyễn Văn Triệu sinh năm 1756 tại làng Kim Long, Phú Xuân (nay là Huế). Thân phụ cậu là ông Cai Lương, Nguyễn Văn Lương, một võ quan Công Giáo phò chúa Nguyễn đã bị tử trận trong một cuộc chiến với Tây Sơn. Sớm mồ côi cha, cậu Triệu sống với mẹ ở Thợ Đúc, gia nhập quân đội năm 1771 khi mới 15 tuổi. năm 1774, anh cùng các bạn gia nhập quân đội của vua Lê chúa Trịnh, chiếm được Phú Xuân. Đến khi Tây Sơn từ phía Nam đánh lên, trở thành chủ nhân ông mới của Phú Xuân, vệ binh Nguyễn Văn Triệu đành theo Trịnh Khải rút về Thăng Long (1786).
Tháng 6 năm đó, quân Tây Sơn thừa thắng xông lên, tiến ra Bắc lấy cớ phò Lê diệt trịnh. Trịnh Khải phải mổ bụng tự tử. Rồi vua Lê Cảnh Hưng băng hà, Lê Chiêu Thống lên ngôi, miền Bắc lại xảy ra nội chiến giữa hai phe Trịnh Lệ và Trịnh Bồng. Chính bối cảnh nhiễu nhương thay ngôi đổi chúa đó đã làm cho anh vệ binh Triệu phải suy nghĩ và đi đến quyết định dứt khoát cho cuộc đời mình.
Ba mươi tuổi đời, mười lăm năm binh nghiệp với biết bao thăng trầm, Emmanuel Triệu bước vào một khúc quanh mới, giã từ vũ khí để phụng vụ Vua trên trời và qua đó phục vụ tha nhân cách đích thực hơn. Mới đầu, anh được một linh mục dòng Tên ở Hà Nội hướng dẫn, nhưng sau anh được Đức cha Obêlar Khâm giáo phận Đông đàng Ngoài nhận vào học tại trường thần học Trung Linh. Và năm 1793, Đức cha Anlonsô Phê truyền chức linh mục. Khi đó cha Triệu đã 37 tuổi.
Nhờ nền giáo dục chu đáo từ nhỏ, cùng với những kinh nghiệm lâu năm trong đời sống quân ngũ, và nhất là ơn Chúa giúp, cha Emmanuel Triệu trở thành một mục tử hăng say nhiệt tình và làm việc có phương pháp. Sáu năm phục vụ trong giáo phận Đông, cha đã thu hoạch được nhiều kết quả và được các bề trên quý mến.

Dưới thời vua Cảnh Thịnh (1792–1802) tình hình chính trị trong nước ngày càng phức tạp. Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) tổ chức quân đội ngày càng mạnh, hùng cứ ở Gia Định, hằng năm cứ đến mùa gió nồm lại đem quân ra đánh Huế. Hỗ trợ cho Nguyễn Anh có một số quân Pháp do Đức cha Bá Đa Lộc chiêu mộ. Do đó, vua Cảnh Thịnh sinh ra ác cảm với đạo, nhất là cuối năm 1797, khi bắt được lá thư của Nguyễn Anh gửi Đức cha Labartatte Bình (Giám mục Đàng Trong) ở Phú Xuân, nhà vua càng nghi ngờ đạo Công Giáo tiếp tay cho giặc.
Một quan văn có đạo, quan Thượng Hồ Cung Điều nhiều lần thanh minh trước mặt nhà vua rằng: "Đạo dạy trung quân vương, hiếu phụ mẫu, chớ có phải đạo dạy làm giặc đâu". Vua nghe nói thì chần chừ. Nhưng viên quan nội hầu tên Lợi, cứ gièm pha mãi, nên cuối cùng, tháng 8.1798, một chiếu chỉ cấm đạo được ban hành.
Trước đó ba tháng, cha Emmanuel Triệu vì thương nhớ mẹ già, nên trở về khu Chợ Đúc, Phú Xuân (Huế). Thật bùi ngùi cảm động sau 12 năm xa cách, hai mẹ con lại gặp nhau. Giờ đây mái tóc của người mẹ đã bạc phơ, còn con nay đã 42 tuổi và là linh mục của Chúa. Cha Triệu thấy xót xa trước cảnh mẫu thân mình phải ăn nhờ ở đậu nhà người khác. Cha quyết định ở lại, cùng với bà con lối xóm, dựng cho mẹ một mái nhà nhỏ để có nơi nương thân. Thời gian này cha Triệu nhân thể cũng đi thăm viếng và dâng lễ tại các họ đạo gần đó. Cha được các tín hữu ở dây thương mến nhiều.
Ngày 07.08.1798, theo chiếu chỉ nhà vua mới ban hành, bốn cơ binh (mỗi cơ 50 quân) bất thần bao vây bốn giáo xứ vùng kinh đô. Tại xứ Thợ Đúc, quan quân có ý tìm cha chính xứ, cha Nhơn, nhưng nhờ quan Thượng Điều đã báo tin, nên ngài đã trốn thoát kịp. Còn cha Triệu thì mới về, nên quan không biết, quan quân bắt một số giáo hữu trong đó có cha Triệu và tra hỏi về các linh mục. Cha Triệu tự nguyện cung khai, nhận mình là người mà họ lùng bắt. Quân lính liền trói tay cha lại dẫn đi. Khi thấy mẹ già khóc lóc thảm thiết, cha Triệu dừng lại nói ít câu từ giã: "Thiên Chúa đã cho con vinh dự làm chứng cho Ngài. Xin mẹ đừng khóc nữa. Mẹ hãy vui lòng vâg theo ý Chúa".
Tiếp theo đó là 40 ngày đêm thử thách trong cảnh ngục tù. Cổ mang gông, tay chân bị xiềng xích, cha còn bị đưa ra tòa nhiều lần, chịu ba trận đòn dữ dội. Khi các quan thẩm tra lý lịch, cha nói rõ mình sinh quán Phú Xuân, vì hoàn cảnh khó khăn mới phải ra Đàng Ngoài để làm ăn, rồi được học giáo lý trong đạo và làm linh mục. Quan hỏi: "Thày có vợ con ở đây hay ở Đàng Ngoài? Cha đáp: "Tôi không lấy vợ, vì là linh mục nên tôi sống độc thân".
Ngày 17-8 các quan định kết án voi giày nhưng một viên quan không đồng ý nên vụ án được trì hoãn.
Thời gian ở trong ngục, cha Triệu vẫn giữ được niềm vui vẻ và tin tưởng vào Chúa. Điều an ủi cha nhất, là được một linh mục cải trang vào thăm và giải tội. Thân mẫu cha nhiều lần cũng đến thăm. Cha an ủi bà, xin bà cầu nguyện nhiều cho mình được trung kiên. Ngoài ra, cha tranh thủ mọi giờ rảnh rỗi để chuẩn bị tâm hồn lãnh phúc tử đạo.
Ngày xử án được ấn định là 17.9.1798. sáng sớm hôm đó, các quan hỏi cha lần cuối: "Thày có muốn bỏ nghề đạo trưởng trở về quê quán sinh sống không? Nếu thày đồng ý, ta sẽ xin vua tha cho". Cha Triệu khẳng khái trả lời : "Thưa không, tôi là đạo trưởng, tôi thà chết chứ không bỏ việc giảng đạo". Thế là đến gần 10 giờ sáng cha Triệu bị điệu ra pháp trường cùng với sáu tên trộm cướp cũng bị tử hình hôm đó. Cha bước đi bình tĩnh, trang nghiêmnhư một chiến sĩ thận trọng trước giờ lâm chiến. Các tín hữu nghe tin lũ lượt đi phía sau. Đàng trước cha, một người lính cầm thẻ bài đọc ghi bản án:
"Tên Triệu, con nhà Nguyễn Văn Lương, chuyên giảng đạo Hoa Lang, quyến rũ dân chúng theo đạo đáng ghê tởm ấy. Vậy y phải trảm quyết".
Tại Bãi Dâu, nơi thi hành án, cha Triệu quỳ xuống cầu nguyện. Theo thói lệ, quan phát cho mỗi tử tội một quan tiền để ăn uống trước khi chết. Cha từ chối, viên quan liền nói : "Của vua ban không được coi thường". Cha trả lời : "Vậy xin ai đó cầm tiền giúp tôi, gởi cho người nghèo". Một người lính thấy thế liền tát vào mặt Ngài một cái. Viên quan nổi giận mắng anh ta: "Chưa đến giờ xử mà mi dám ngạo ngược như thế sao ?" Rồi ông quay qua mời vị chứng nhân đức tin ngồi và nói : "Khi nào đến giờ, tôi sẽ báo cho thày". Cha Triệu liền ngồi và tiếp tục cầu nguyện.
Đúng giờ ngọ (12 giờ trưa), viên quan nói với vị linh mục : "Giờ đã đến rồi". Cha Triệu quỳ lên giơ cổ cho lý hình chém. Thi hài vị tử đạo được các tín hữu an táng tại họ Dương Sơn, sau được cải vào nhà thờ Dương Sơn.
Đức Lêo XIII suy tôn Chân Phước cho cha Emmanuel Nguyễn Văn Triệu ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.
Nguồn từ Thư viện Đa Minh

Trường Thi Tử Đạo
Nguyễn Văn Triệu sinh năm Bính Tý (1756)
Tại Kim Long tỉnh lỵ Thừa Thiên
Gia đình Công giáo tài hiền
Cha làm quan võ quy thiên Nguyễn Triều

Mười lăm tuổi chú Triệu vô lính
Ngự lâm quân triều chính cùng quê
Tây Sơn đánh phá tứ bề
Triều Ðình phải trốn bỏ về miền Nam

Quan miền Bắc đứng làm thủ trưởng
Triệu tháp tùng dưới trướng điều binh
Ði theo như bóng với hình
Quan chuyển về Bắc đem mình đi theo

Cuộc sống mới gieo neo vất vả
Triệu nghĩ suy nên đã đổi thay
Ði tu ý muốn trình bày
Dòng Tên đón nhận đưa ngay đăng trình

Rồi sau đó chuyển Ðaminh Tu Viện
Vị Thừa sai đại diện Rôma
Ðưa thầy Triệu gặp Ðức Cha
Sáu năm thần học sau đà thụ phong

Ơn Thiên Triệu quan phòng Linh mục
Ðược sai đi tiếp tục giảng rao
Giáo lương tình nghĩa dạt dào
Người nghèo giúp đỡ đổi trao nghĩa tình

Cha phục vụ hy sinh năm tháng
Ðược về thăm bóng dáng mẹ hiền
Tuổi già đau ốm triền miên
Nhờ bà đạo đức trong miền giúp cho

Ngài về Huế để lo công việc
Trao lá thư đặc biệt Ðức Cha
Hai ngày trở lại mẹ già
Làm căn nhà nhỏ cho bà an cư

Mấy bà cháu rất ư vui vẻ
Trong căn nhà mát mẻ sống chung
Nhà vua cấm đạo truy lùng
Bắt tìm đạo trưởng khốn cùng khắp nơi

Cha ngoại quốc kịp thời trốn trước
Riêng Cha Triệu phép được thăm quê
Quân quan vây bọc tứ bề
Giáo dân đâu biết để về báo Cha

Ngài bị bắt tại nhà Thợ Ðúc
Ông Trùm Quyên đúng lúc đi xa
Lính bắt ngài chúng hỏi tra
Nhận ngay đạo trưởng chính ta đó mình

Chúng đánh đập thất kinh hai trận
Dòng nữ tu kế cận tiến vào
Tịch thu đồ đạc bỏ bao
Ba mươi chị bắt giải vào kinh đô

Người hiểu biết tiến vô can thiệp
Trả tự do đặc biệt quý Soeurs
Nhà dòng phá hủy chỏng chơ
Cả nhà Cha Triệu nửa giờ phá tan

Bắt Cha Triệu liên can Thầy giảng
Cha với Thầy không nản vẫn vui
Quan Thượng hỏi người trốn chui
Vào Nam giảng đạo ngọt bùi dối đâu

Cha Triệu nói Phú Xuân quê cũ
Bố của tôi Quan Phủ Nguyễn Triều
Hai mươi năm đói tiêu điều
Bỏ nhà ra Bắc từ nhiều năm qua

Tôi may mắn gặp Cha Cố đạo
Ngài giảng rao loan báo niềm tin
Tôi đi theo học sưu tìm
Thấm nhuần đạo Chúa khắc in trong lòng

Rồi sau đó thụ phong Linh mục
Người Tông đồ tiếp tục giảng rao
Lâu năm thăm mẹ trở vào
Tôi là đạo Truởng Chúa trao loan truyền

Quan Thượng hỏi cảm phiền có vợ
Ở đàng ngoài hay ở đàng trong
Cha Triệu nói tôi tu dòng
Ðộc thân phải giữ thật lòng chân tu

Quan ra lệnh nhốt tù nghiêm ngặt
Cổ đeo gông chân chặt xích xiềng
Bốn mươi ngày biệt giam riêng
Ðánh đòn ba trận nát liền trên lưng

Cơm chỉ có muối vừng qua bữa
Ðựng mo cau khe cửa đút vô
Lính canh ăn nói côn đồ
Nản lòng sợ hãi khát khô nước thèm

Quan tra hỏi nhiều phen dọa nạt
Cha trả lời chẳng khác giảng rao
Hùng hồn can đảm tự hào
Thánh Linh phù trợ ban trao cho ngài

Cha Lộc tới bá vai giải tội
Vào thăm tù lính hối đuổi ra
Hôm sau Cha bị hầu toà
Các quan xúi giục hãy đà nghe ta

Bỏ đạo Chúa vua đà trọng thưởng
Về thế gian thụ hưởng thiếu chi
Cha cương quyết chết tức thì
Vẫn theo chân Chúa tử quy Nước Trời

Lính giải ngài đến nơi để chém
Cha quỳ thẳng lính vén tóc lên
Ðầu rơi xuống đất ngay bên
Giáo dân ào đến kêu tên khóc ngài

Chôn cất dấu mấy ai hay biết
Tại một nơi giữa miệt lương dân
Thời gian thuận tiện tới gần
An táng trọng thể mộ phần của Cha

Năm tử đạo chính là Mậu Ngọ (1798)
Thánh năm này tuổi thọ bốn hai
Roma phong thánh cho Ngài
Suy tôn Canh Tý (1900) trần ai mấy người

Lời bất hủ: Trước khi xử tử quan hỏi cha Triệu: "Thầy có muốn bỏ nghề đạo trưởng trở về quê quán sinh sống không? Nếu Thầy đồng ý, ta sẽ xin vua tha cho". Cha Triệu khẳng khái trả lời: "Thưa không, tôi là đạo trưởng tôi thà chết chứ không bỏ việc giảng đạo".

Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu (1756 – 1798) Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Unknown

0 nhận xét: